1. Phân biệt thuật ngữ “ Câu chuyện” và “Truyện”.
Dưới góc nhìn Tự sự học, những thuật ngữ này có cả một lịch sử nghiên cứu sự vận động của chúng theo thời gian. Người đầu tiên quan tâm tới thuật ngữ “Câu chuyện” là Plato; tiếp đó là Aristot. Trong sách Aristot, thuật ngữ “câu chuyện”, hành động, sự kiện, sự thật, cốt truyện nhiều khi như là đồng nghĩa. Sau này, trong “Mĩ học” Heeghen cũng nói tới sự kiện trong Sử thi, phân biệt sự việc xảy ra với sự kiện có mục đích của con người; ông vẫn xem sự kiện như một hiện tượng của thế giới. Sở dĩ như thế là vì cả Aristot và Heeghen đều chỉ biết đến kịch, sử thi mà chưa biết đến Tiểu thuyết.
Đến cuối thế kỷ XX, sau mấy trăm năm phát triển thể loại tiểu thuyết, lí thuyết Tự sự đã có một sự chuyển biến quan trọng đó là chuyển sang nghiên cứu “Truyện kể với tính chất, kí hiệu và ngôn ngữ của nó”.
Như vậy, phải đến cuối thế kỷ XX, vấn đề “Truyện kể” với tính chất, ký hiệu và ngôn ngữ mới được quan tâm, nghiên cứu như một đối tượng cụ thể, chứ không đồng nghĩa với “câu chuyện”, hành động, sự kiện như trước kia. Theo Veselovski, “truyện kể” là sự cấu tạo câu chuyện theo thủ pháp, kết cấu, các thủ pháp lạ hóa, chống lối nhận thức tự động hóa. Nghĩa là “câu chuyện” có trước, sau đó mới có “Truyện”.
Tóm lại, “Truyện” tồn tại dưới văn bản viết; “câu chuyện” là nội dung đã được cấu tạo lại trong “Truyện”. “Câu chuyện” là đề tài, “Truyện” là văn bản chứa đựng “câu chuyện”.
Truyện Thánh Gióng kể câu chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân cứu nước; Truyện Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng kể câu chuyện tình cảm cha con sâu nặng đằm thắm của ông Sáu và bé Thu... Như vậy đồng nghĩa với việc phân biệt như thế về “truyện” và “câu chuyện” thì tuyệt đối không nói “Câu chuyện” Chiếc lược ngà mà chỉ có thể nói truyện “Chiếc lược ngà”...
2. Từ “câu chuyện” ngoài đời đến câu chuyện trong văn bản “Truyện”.
Để phân biệt câu chuyện với văn bản truyện, người ta đề xuất phương pháp lưỡng phân- một phương pháp mà Lý luận phê bình văn học Phương tây thường áp dụng khi phân tách bình diện một tác phẩm văn học nói chung, tác phẩm tự sự nói riêng. Ngoài ra phương pháp tam phân-đề xuất thêm phạm trù “hành vi tự sự” cũng được sử dụng, ngoài “câu chuyện”- chỉ nội dung được kể và “thoại ngữ tự sự” –chỉ ngôn từ viết hoặc nói dùng để kể lại câu chuyện, cũng tức là văn bản truyện mà độc giả đọc được. Tuy nhiên , trong hai phương pháp trên, phương pháp lưỡng phân vẫn được các nhà tự sự học phổ biến chấp nhận.
Trong quá trình khu biệt “câu chuyện” và “truyện”, người ta nhận thấy “câu chuyện” có những giao trùng với “văn bản truyện”, song về cơ bản nó có tính độc lập tương đối. Câu chuyện đôc lập với phong cách tác giả. Câu chuyện độc lập với ngôn ngữ nhà văn dùng để kể; câu chuyện độc lập với chất lượng môi giới hoặc hệ thống ký hiệu theo quan điểm của nhà nghiên cứu S.Rimmon-Kenan trong “Tác phẩm hư cấu có tính tự sự”.
Đơn cử, cùng về câu chuyện về cái đói, cái nghèo, nhưng khi được đưa vào Truyện, mỗi nhà văn lại có cách kể khác nhau. Thạch Lam viết chuyện về cái đói nhưng day dứt hơn cả không phải là về sự nghèo đói về vật chất mà là sự nghèo nàn về đời sống tinh thần ( như trong truyện “Hai đứa trẻ”). Nguyễn Công Hoan viết về cái đói với tiếng kêu thảm thiết: hãy cứu lấy con người đang có nguy cơ bị cái đói kéo ghì đến bờ vực của cái chết. Còn trong những trang viết của nhà văn Nam Cao, lại là những day dứt, đau đớn trước tình trạng nhân phẩm con người đang có nguy cơ bị cái đói làm cho xói mòn, tha hóa….Ngay cả những Truyện được viết về các nhân vật có nguyên mẫu ngoài đời thì cũng không thể khẳng định nhà văn đang viết về chính con người đó, câu chuyện đó. Nguyễn Tuân viết truyện “ Chữ người tử tù’, phần lớn chúng ta đều biết, nguyên mẫu để xây dựng nhân vật Huấn Cao là Cao Bá Quát, nhà thơ trung đại sống thế kỷ XIX, người nổi tiếng văn hay chữ tốt, và cũng là người lãnh đạo phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình. Song, câu chuyện về Huấn Cao hoàn toàn không phải là câu chuyện có thật về Cao Bá Quát, dù có nhiều điểm giao trùng nào đó. Tương tự như vậy, những câu chuyện về số phận người lao động miền núi Tây Bắc trong truyện “ Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, về người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 trong “ Vợ nhặt” của Kim Lân…dù đều bắt đầu từ những câu chuyện ngoài đời thì câu chuyện trong văn bản truyện cũng đã được hư cấu đi nhiều, để mang tính khái quát, thể hiện những quan sát trải nghiệm của nhà văn về cuộc sống, gửi gắm tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Chính vì thế mà trong những truyện của nhà văn tài năng, “nhân vật nhiều khi thật hơn con người thật!”.
Tính độc lập tương đối của câu chuyện với Truyện kể giảm đần với tiểu thuyết hiện đại. Khả năng phân tách giữa chúng khó thực hiện hơn, dẫn tới sự trùng khít lẫn nhau giữa câu chuyện và truyện kể.
3. Từ “câu chuyện” trong văn bản “Truyện” đến “câu chuyện” trong cảm nhận của độc giả.
Quá trình sáng tạo văn học trải qua con đường bắt đầu từ cuộc sống -> nhà văn -> tác phẩm -> người đọc. Trên con đường ấy, với tác phẩm tự sự, chúng ta đã thấy cuộc sống bước vào trang văn không vẹn nguyên như nó vốn có ngoài đời, câu chuyện mà tác giả kể trong truyện không giống hoàn toàn câu chuyện có thật nào đó ngoài cuộc sống. Khi tác phẩm văn học đến với bạn đọc, quá trình sáng tạo vẫn được tiếp tục. Dù cho sự biểu đật trong văn bản truyện có phức tạp, biến hóa đến mức nào, độc giả vẫn căn cứ vào vốn sống, vốn kinh nghiệm, vốn hiểu biết… của bản thân để tái dựng câu chuyện nhất định.
Ví dụ với những truyện có kết cấu khá phức tạp, không xuôi chiều, không đơn giản như “Chí Phèo” của Nam Cao. “Chí phèo” có kết cấu khá độc đáo, đan xen giữa kiểu kết cấu nhảy thẳng vào sự kiện trung tâm và kiểu kết cấu vòng tròn. Mở đầu không phải là nguồn gốc, xuất xứ của nhân vật Chí Phèo mà là sự xuất hiện của Chí Phèo trong trạng thái say khướt, chửi bới lung tung, với tiếng chửi ngỡ như vô thức của kẻ say nhưng vấn len lỏi trong đó nhận thức cay đắng về bi kịch bị người đời xa lánh. Sau đó mới là những dòng giới thiệu về nguồn gốc Chí Phèo. Kết thúc truyện là chi tiết gợi nghĩ đến sự ra đời của một Chí Phèo con. Tuy kết cấu độc đáo, song bằng vốn sống, bằng thức cảm của mình, người đọc vẫn có thể sắp xếp lại, hình dung rõ nét câu chuyện mà tác giả đang kể. Thậm chí, có những phát hiện của người đọc vượt ra ngoài dụng ý kể chuyện của nhà văn mà vẫn hợp lí. Đó là hiện tượng bạn đọc đồng sáng tạo.
Tóm lại, phân biệt câu chuyện và truyện để tránh sự nhầm lẫn, áp đặt giữa chuyện ngoài đời và chuyện được kể trong tác phẩm, giữa chuyện được nhà văn kể với chuyện trong nhận thức của người đọc; để hiểu sâu hơn bản chất, qui luật của sáng tạo văn chương.
Nam Định tháng 10 năm 2017
Trần Thị Ngọc Lam