Sôi động lễ hội dân gian đường phố mừng 60 năm Giải phóng Thủ Đô

Tối 10/10, Lễ hội dân gian đường phố đậm sắc màu truyền thống Hà Nội pha trộn nét hiện đại đã tưng bừng diễn ra quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Chương trình do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tạo không khí sôi động, vui tươi trong ngày lễ trọng đại của Thủ đô.

Bắt đầu từ 6 giờ 30 phút, lễ hội bắt đầu bằng lễ diễu hành từ khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng, qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đến phố Lê Thái Tổ, phố Hàng Khay dài gần 2km.

Với màu sắc rực rỡ của trang phục, cờ phướn, vật phẩm hòa cùng tiếng nhạc rộn ràng, lễ hội đường phố tạo không khí sôi động có rất đông người dân đứng hai bên đường cổ vũ khi đoàn diễu hành đi qua.

Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, đơn vị thực hiện lễ hội đường phố cho biết trong ngày này, không chỉ riêng Nhà hát Chèo Hà Nội mà tất cả các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô đều hoạt động hết công suất, phục vụ Lễ kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. 

Với chương trình lễ hội dân gian đường phố, Nhà hát đã chuẩn bị chương trình trong hai tháng, lên kịch bản, sắp xếp các loại hình nghệ thuật để trở thành quy mô hợp lý, có tính liên kết với nhau tạo cho công chúng cái nhìn toàn diện về chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa của Thủ đô. 

“Điều quan trọng chúng tôi phải gắn kết các nét truyền thống với nhau để người dân Hà Nội có thể nhìn lại Hà Nội xưa một chút, hoài niệm một chút, sống chậm lại một chút và nhìn thấy giá trị văn hóa của Hà Nội cổ. Nhưng qua đó cũng để họ nhớ lại thời hào hùng của cha ông ta” - Nghệ sĩ ưu tú Thúy Mùi chia sẻ.

Với hơn 1.000 nghệ sĩ chuyên và không chuyên, lễ hội dân gian đường phố đường dàn dựng một cách khéo léo, nhịp nhàng giữa các loại hình văn hóa. Lễ hội có bố cục hai phần. Một phần được thực hiện hoàn toàn bằng chất liệu văn hóa dân tộc, có sự tham gia của nghệ thuật múa rồng lân, múa đánh bồng, rước trạng vinh quy, rùa đội bia, đám cưới cổ. 

Một phần tái hiện không khí Thủ đô trong ngày chiến thắng đón bộ đội ta từ chiến khu trở về, sự vui mừng của các thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài của thời kỳ năm 1954, của các em thiếu nhi trong những bộ váy xinh đẹp.

Trong đoàn diễu hành, có các thiếu nữ Thái điệu đà cùng cánh ban trắng từ Điện Biên theo các anh bộ đội cùng về Thủ đô. Hòa quyện trong những cánh ban trắng là những bông hoa đào Nhật Tân đỏ thắm khiến Lễ hội thêm phần ý nghĩa.

Là người trực tiếp dàn dựng nghi thức đám cưới Hà Nội cổ, nghệ sĩ ưu tú Minh Vượng cho biết: "Khi giải phóng Thủ đô, người dân phố cổ vẫn có những đám cưới. Chính vì vậy, trong lễ hội đường phố hôm nay, bên cạnh múa rồng, lân đánh bồng và các nghệ thuật khác thì chúng tôi tổ chức một đoàn xe gồm 8 xích lô tái hiện nghi thức đám cưới cổ."

Để thực hiện thành công, nghệ sĩ Minh Vượng cũng tham khảo ý kiến của các cụ già trên 80, 90 tuổi đã từng dự đám cưới cổ của Hà Nội đầu thế kỷ 20 để chuẩn bị trang phục, nghi lễ. Có cụ già cho Minh Vượng mượn kính đen để đeo trong đám cưới cho đúng kiểu cách. 

Nghệ sĩ tâm sự: “Chúng tôi là những người dân Hà Nội mong muốn góp phần khơi dậy bản sắc Hà Nội để người Hà Nội ngày nay và cả những du khách, nhất là khách nước ngoài biết Hà Nội xưa, thêm yêu Hà Nội thời nay."

Cũng trong tối 10/10, tại Trung tâm Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Liên đoàn lao động Hà Nội đã tổ chức đêm liên hoan văn nghệ trong công nhân viên chức-lao động chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.

Tham gia chương trình là những tiết mục biểu diễn đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền trong cả nước được dàn dựng công phu, phong phú. Bằng những lời ca, điệu múa của mình, hàng trăm nghệ sĩ không chuyên là cán bộ, công nhân lao động đang trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp đã không ngừng ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, Thủ đô ngàn năm văn hiến, ôn lại những năm tháng hào hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, 60 năm Thủ đô xây dựng và phát triển…

Các tiết mục hát múa hấp dẫn đã thu hút đông đảo người dân tới thưởng thức, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong ngày lễ trọng đại của Thủ đô./.

Nguồn: TTXVN