Phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách một di sản văn hóa thế giới

Sáng 26/12, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phụ trách Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.

Sân khấu hóa lịch sử các Vua Hùng tại các trường học góp phần phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Khai mạc hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá lại các di tích thờ cúng Vua Hùng trên phạm vi cả nước để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự trang nghiêm xứng tầm; sưu tầm, chuẩn hóa điển tích, trình tự nghi lễ thờ cúng Vua Hùng để tạo sự thống nhất trong cả nước… Đồng thời, góp phần truyền bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ cần được lưu tâm đến việc phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là một di sản văn hóa thế giới.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tụ nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn”. Hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam cần phải tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu, những giá trị có tính toàn cầu nổi bật của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền và độc lập của quốc gia, dân tộc.

GS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự trở thành một biểu tượng ở tầm quốc gia quy tụ tất cả cộng đồng, các dân tộc ở Việt Nam và vươn tới cả cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài. Tín ngưỡng giúp cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc.

TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã, đang, sẽ mãi là điểm tựa cho khối đại đoàn kết của dân tộc, vun bồi ý chí, năng lực nội sinh của con người Việt Nam.

Với 40 tham luận gửi về, hội thảo tập trung làm sáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam trong kho tàng di sản Hán Nôm, trong văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành Khảo cổ học. Nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức các tộc người thiểu số và bà con Việt kiều ở nước ngoài. Hội thảo khẳng định vai trò của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng đất nước ta hiện nay.

Các tham luận của hội thảo đã đặc biệt lưu tâm đến việc phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là một di sản văn hóa thế giới, những biến đổi trong lễ hội thờ cúng Hùng Vương ở nước ta; khai thác di tích và lễ hội thờ cúng Hùng Vương trong hoạt động du lịch hiện nay và những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng - bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguồn: Báo Nhân dân