Nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam thời kỳ hội nhập

Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, nền kinh tế Việt Nam luôn luôn duy trì mức tăng trưởng khá cao, trong đó có sự đóng góp nổi bật của ngành Du lịch. Cùng với sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, Du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh, ngày càng có những đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế. Sự phát triển Du lịch góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho các tầng lớp dân cư trong xã hội.  

Tính đến nay, các hoạt động Du lịch đã thu hút gần 2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp, ở đâu phát triển Du lịch, ở đó đời sống của cộng đồng dân cư được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của nhân dân.

Xác định Du lịch là một trong ngành kinh tế quan trọng của đất nước, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội phát huy tiềm năng và thế mạnh của đất nước để đẩy mạnh và phát triển Du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam tập trung thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Du lịch với việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;  tiếp tục triển khai Chương trình Hành động và Chương trình Xúc tiến Du lịch Quốc gia; ngành Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh phát triển Du lịch trong giai đoạn mới. Nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành mang tính đột phá, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài. Trong đó, Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về “Một số giải pháp phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đây là chủ trương có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành Du lịch Việt Nam, gồm 5 nhóm giải pháp toàn diện có tính đột phá để Du lịch Việt Nam huy động và kết nối các nguồn lực, vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nổi bật, là các Nghị quyết số 39/NQ-CP và Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân 6 quốc gia: Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Belarus. Ngày 2/7/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về khắc phục các hạn chế, yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh phát triển Du lịch. Ngày 24/9/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP quy định về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xem xét các vấn đề then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển Du lịch trong giai đoạn hiện nay: Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch Việt Nam; Đề xuất chính sách giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các cơ sở lưu trú, khu Du lịch sử dụng nhiều diện tích đất cho không gian, cảnh quan; Xây dựng dự thảo Luật Du lịch(sửa đổi); Đề xuất các chính sách để tăng cường hiệu quả quảng bá, xúc tiến Du lịch, xây dựng sản phẩm mới và nâng cao năng lực cạnh tranh; Đề xuất phương án miễn thị thực cho công dân một số quốc gia đến Việt Nam Du lịch qua chương trình Du lịch trọn gói cho các Doanh nghiệp lữ hành quốc tế tổ chức; Xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp hạng điểm đến Du lịch.

Chính từ sự quan tâm đó, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch. Trong thời gian qua, Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành quả mang tính toàn diện và chuyên nghiệp hơn, khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách. Cho đến nay, cả nước có 1.573 Doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong đó có 8 Doanh nghiệp Nhà nước, 507 Doanh nghiệp cổ phần, 15 Doanh nghiệp liên doanh, 1.026 Công ty TNHH, 8 Doanh nghiệp tư nhân. Đến năm 2015, với sự ra đời của nhiều cơ sở lưu trú (Khách sạn và tổ hợp resort) 4-5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế của một số thương hiệu lớn như: Vingroup, Sungroup, FLC… đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong lĩnh vực lưu trú. Đến nay, số lượng cơ sở lưu trú trên cả nước là 18.800 cơ sở lưu trú Du lịch với trên 355.000 buồng (tăng 2.800 cơ sở lưu trú so với năm 2014), trong đó có 91 khách sạn 5 sao với 24.212 buồng; 215 khách sạn 4 sao với 27.379 buồng, 441 khách sạn 3 sao với 30.737 buồng… Công suất sử dụng buồng bình quân toàn ngành đạt 57%. Năm 2015, Du lịch Việt Nam đã đón 7.943.600 lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách Du lịch đạt 338.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của Du lịch Việt Nam còn gặp phải những khó khăn, bất cập: Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam chưa được cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực phát triển của đất nước còn hạn chế, nhận thức vai trò về Du lịch còn chưa đầy đủ, liên kết giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên, chưa tạo sức mạnh tổng hợp dựa trên các lợi thế so sánh.

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa được triển khai quyết liệt, mức độ thực hiện chưa đồng đều. Ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được thể chế hóa thành các chính sách cụ thể và tạo nên những chuyển biến lớn như mong muốn. Công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn tại một số địa bàn trọng điểm chậm được cải thiện rõ rệt, tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Công tác quảng bá, xúc tiến Du lịch chưa được đầu tư tương xứng, nguồn lực còn hạn chế, bị phân tán. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến còn thực hiện theo kế hoạch ngắn hạn, dàn trải, phối hợp công-tư chưa tốt. Công tác xây dựng đề án, quy hoạch định hướng, đề xuất chính sách phát triển mới còn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, chưa có nhiều tư duy đột phá chiến lược. Ngoài ra, sản phẩm Du lịch chưa tạo được nhiều đột phá mang tính sáng tạo và giá trị tăng cao. Liên kết, hợp tác phát triển Du lịch còn hạn chế và tự phát. Tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển Du lịch của nhiều địa phương chưa được khai thác hiệu quả. Một số thành tựu mới về điều kiện cơ sợ hạ tầng phát triển như các hệ thống đường cao tốc mới được khánh thành. Bên cạnh các lợi ích lớn để phát triển kinh tế, xã hội các địa phương trên các tuyến đường đã tạo nên sức ép đối với ngành Du lịch khi lượng khách tăng đột biến, dịch vụ Du lịch không đáp ứng kịp tạo nên tình trạng quá tải tại các điểm đến, kinh doanh lộn xộn, chất lượng dịch vụ xuống cấp.

Trong sự phát triển, tiềm năng của Du lịch Việt Nam là hết sức to lớn, nhưng qua thực tế cho thấy những gì mà ngành Du lịch Việt Nam đạt được vẫn còn khiêm tốn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP… ngành Du lịch cũng đứng trước những cơ hội to lớn và cả những thách thức không nhỏ trên con đường phát triển, nhất là đòi hỏi nguồn nhân lực Du lịch phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn. Để thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành Du lịch đến năm 2020, Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm Du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển, tổng thu từ khách Du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.

Trong định hướng phát triển, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành Du lịch cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ Du lịch; khuyến khích đầu tư nâng cấp và phát triển mạnh mẽ hơn nữa cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ Du lịch; tập trung phát triển các tiềm năng Du lịch đặc thù của Việt Nam trên cơ sở khai thác tiềm năng Du lịch Văn hóa, Du lịch sinh thái, Du lịch biển đảo. Đồng thời xây dựng và phát triển những sản phẩm Du lịch cao cấp, khuyến khích và tạo điều kiện để đầu tư xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp, tiện nghi, hiện đại và đồng bộ. Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động Du lịch. Để đạt được những mục tiêu đề ra ngành Du lịch phải có những giải pháp kịp thời như: Có chính sách thị thực tạo thuận lợi cho phát triển Du lịch; Tăng nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ phát triển Du lịch; Đảm bảo môi trường an ninh, an toàn cho khách Du lịch; Phát triển sản phẩm Du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ Du lịch; đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ Du lịch đi đôi với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và liên quan đến Du lịch. Hoạch định chiến lược phát triển Du lịch trên các lĩnh vực như chất lượng phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam, Chiến lược marketing; Thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển gắn liền với triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển Du lịch. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Việt Nam cần có sự hợp tác kết nối với các cấp các ngành, chính quyền các địa phương vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ mạnh mẽ, nhằm nâng cao chất lượng cải thiện môi trường Du lịch, xóa bỏ tình trạng ăn chặn, chặt chém du khách, niêm yết công khai giá, duy trì các đường dây nóng để kịp thời xử lý các phản ánh của du khách.

Du lịch là ngành tổng hợp, chất lượng Du lịch, dịch vụ Du lịch phụ thuộc vào: hạ tầng giao thông; dịch vụ vận tải; môi trường tự nhiên; môi trường xã hội; ý thức cộng đồng; chất lượng nguồn nhân lực; cơ sở vật chất kỹ thuật Du lịch. Để thúc đẩy du lịch phát triển trong thời gian tới cần mở rộng thị trường Du lịch tránh không lệ thuộc vào một thị trường, phải tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử văn hóa Việt Nam. Tập trung phát triển một số vùng Du lịch đặc thù. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, địa phương trong công tác xúc tiến, quảng bá. Phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn về du lịch. Có cơ chế chính sách phát triển Du lịch Việt Nam trong thời gian tới như thuế, giá thuê đất, Luật Du lịch (sửa đổi), các cơ chế chính sách. Toàn ngành cần lưu ý: xúc tiến quảng bá tạo hình ảnh tốt, thực hiện quy hoạch rộng, tăng cường số lượng và chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tất cả phải đảm bảo phương châm của Du lịch Việt Nam: An toàn, thân thiện, chất lượng.

Sự phát triển thành công của Du lịch Việt Nam sẽ là động lực phát triển mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế Việt Nam, góp phần đưa hình ảnh, đất nước con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế.