Mỹ Sơn - 15 năm Di sản Văn hóa thế giới

Chiều 2/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới.

Quần thể Khu di tích Chăm Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999. Tiếp đến, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 xếp hạng Mỹ Sơn vào danh sách Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đây là sự khẳng định những giá trị toàn cầu của quần thể kiến trúc Mỹ Sơn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của nhân loại, cũng là dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Mỹ Sơn.

Công cuộc bảo tồn không còn là chuyện chống đỡ cho di tích khỏi xuống cấp, khỏi nguy cơ sụp đổ, mà đòi hỏi bảo tồn và phát huy giá trị Mỹ Sơn phải bảo đảm tính toàn vẹn và tính xác thực trong Công ước Bảo tồn di sản của thế giới. Đồng thời, góp phần đảm bảo sự bền vững cho di tích kiến trúc có giá trị ngàn năm của nhân loại.

Qua 15 năm, với những nỗ lực không mệt mỏi của rất nhiều người, di tích Mỹ Sơn từng bước được cứu vãn khỏi nguy cơ đổ vỡ. Sự xâm hại được ngăn chặn triệt để. Đặc biệt là nhận thức và tầm nhìn trong công tác bảo tồn Mỹ Sơn của người dân, chính quyền địa phương được nâng cao.

Đội ngũ cán bộ công chức làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích có nghiệp vụ chuyên môn, từng bước đáp ứng nhu cầu công việc theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Đây là lực lượng quan trọng, là nguồn lực có chất lượng, của để dành cho khu di sản trong hiện tại và tương lai. 

15 năm qua, cùng với Việt Nam, các tổ chức quốc tế, bạn bè trong nước và nước ngoài bắt tay thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhằm bảo tồn tốt nhất các giá trị gốc của Khu di tích Mỹ Sơn, trên cơ sở các hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu, Công ước Di sản thế giới và Luật Di sản văn hóa Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu, sách báo… liên quan đến Mỹ Sơn cũng được xuất bản. 

Giá trị Mỹ Sơn từng bước được phát huy, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đổi thay diện mạo địa phương, nâng cao đời sống người dân. Ngày nay, Mỹ Sơn đã trở thành điểm đến được du khách lựa chọn.

Hằng năm, Mỹ Sơn đón trên 200.000 lượt khách tham quan, doanh thu trên 20 tỷ đồng, góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích và chuẩn bị các điều kiện để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch trong những năm tới.

Bên cạnh những thành quả đạt được, công việc bảo tồn và trùng tu di tích Mỹ Sơn cũng có những hạn chế yếu kém như đầu tư cơ sở hạ tầng chưa xứng tầm; tiềm năng du lịch là rất lớn, song việc đầu tư khai thác chưa thật hiệu quả, hoạt động dịch vụ còn nhỏ lẻ, đơn độc. Việc bảo vệ cảnh quan tài nguyên du lịch còn bị xâm hại. Nhiều khu đền tháp xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được trùng tu kịp thời…

Dịp này, Ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn kiến nghị các ngành, cơ quan trong và ngoài nước quan tâm để đưa Dự án trùng tu các đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn do phía Ấn Độ triển khai sớm trong thời gian sớm nhất theo như ký kết giữa 2 nước