Kỷ niệm ngày 27/7 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Tôn vinh những tấm gương anh hùng

Trong 2 ngày 25 và 26/7, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2015).

 

Chương trình do Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị liên quan tổ chức, nhằm tri ân công lao các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, tôn vinh những tấm gương anh hùng là người dân tộc thiểu số, góp phần khơi dậy trong thế hệ trẻ, du khách và cộng đồng các dân tộc niềm tự hào dân tộc, tri ân công lao các anh hùng, liệt sĩ, thương binh.  


Cuộc hội ngộ của những thế hệ anh hùng


Được xem là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2015) tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chương trình giao lưu “Sáng mãi tên anh” có sự xuất hiện đặc biệt của Mẹ Việt Nam anh hùng Vương Thị Lý (sinh năm 1923, sống tại thôn Muôn, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và các anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: La Văn Cầu, Phùng Văn Khầu, Lê Mã Lương.


Tại buổi giao lưu, khán giả một lần nữa được nghe lại câu chuyện anh hùng La Văn Cầu (Tổ trưởng Tổ bộc phá, Trung đoàn 174 - Trung đoàn Cao Bắc Lạng anh hùng), chặt đứt cánh tay bị thương, quyết tâm ôm quả bộc phá 12 kg đánh lô cốt lớn nhất ở cứ điểm Đông Khê đêm 17/9/1950, mở màn cho Chiến dịch Biên giới; câu chuyện anh hùng Phùng Văn Khầu với trận đánh trên đồi E1 ở cứ điểm Điện Biên Phủ, khi mà khẩu đội pháo có 7 người đã hy sinh mất 6 thì Phùng Văn Khầu 1 mình 1 pháo cũng đánh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; hay như cuộc vật lộn không cân sức giữa người lính Việt Nam cao 1m63, nặng 51kg với tên lính Mỹ “khổng lồ” của anh hùng Lê Mã Lương….


Những câu chuyện được chính những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam chia sẻ với một tình cảm xúc động nhưng cũng rất hào hùng đã trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả những ai có mặt tại buổi giao lưu, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Những kỷ niệm kháng chiến hào hùng của một thế hệ anh hùng giống như ngọn đuốc, thổi bừng lên bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ra sức rèn luyện, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Cuộc đời binh nghiệp trải qua hàng trăm trận đánh, vào sinh ra tử, nhiều lần cận kề cái chết, Lê Mã Lương được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới vừa 21 tuổi. Nổi tiếng với câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù” nhưng khi nói về thế hệ những người đi trước, anh hùng Lê Mã Lương trong từng lời nói vẫn dành sự tri ân, ngưỡng mộ đối với những anh hùng khi tuổi đời còn rất trẻ. “Thế hệ các anh hùng La Văn Cầu, Phùng Văn Khầu là một thế hệ tuyệt vời, thế hệ “thần thánh”. Thế hệ của những người như chúng tôi là thế hệ tiếp nối những hành động anh hùng của thế hệ cha anh”, anh hùng Lê Mã Lương nói.


Tái hiện nhiều lễ hội đặc sắc


Những hoạt động văn hoá của đồng bào các dân tộc là “đặc sản” không thể thiếu mỗi khi về với “Ngôi nhà chung”. Trong dịp này, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn cũng được tái hiện, giới thiệu tới du khách những nét văn hoá thú vị như: Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Nùng; trích đoạn Lễ cấp sắc cho bà Then trong lẩu then của dân tộc Tày.


Với nhiều người, Lễ hội xuống đồng (Lồng Tồng) của đồng bào dân tộc Nùng không còn xa lạ. Nhưng mỗi lần chứng kiến đồng bào tái hiện lễ hội này tại không gian của chính dân tộc mình tại Làng Văn hoá, du khách lại có những cảm nhận mới mẻ. Du khách đặc biệt ấn tượng với mâm lễ trước khi xuống đồng, được đồng bào chuẩn bị khá công phu gồm những sản vật địa phương, trong đó không thể thiếu chiếc bánh chưng dài, chén rượu men lá; các loại bánh chay như bánh bỏng, bánh phồng và bánh khảo để dâng cúng.

 

Sau phần lễ do Pú mo - người được dân làng sùng bái, chủ trì các công việc cầu khấn thực hiện, cầu những vị thần bảo hộ cho mùa màng, sức khỏe và sự bình yên cho dân làng là đến phần hội. Không khí ngày càng náo nhiệt hơn với các màn múa của đội kỳ lân, biểu diễn võ cổ truyền dân tộc với các bài quyền, kiếm, sam sa và gậy. Trong những ngày này nam thanh, nữ tú sẽ trổ tài hát giao duyên bằng câu hát sli, các câu hát lượn và chơi các trò chơi dân gian.


Lần đầu tiên tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Lễ cấp sắc cho bà Then trong lẩu Then của đồng bào Tày cũng hấp dẫn du khách.


Then - Di sản văn hóa đặc sắc đã đi vào đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Nghề Then nói chung và Then Tày nói riêng ở tỉnh Lạng Sơn có những cách thức hành nghề, không gian diễn xướng, nghi lễ… rất đặc trưng. Trong những nghi lễ ấy, nghi thức cấp sắc lần đầu là một trong những nghi lễ chính của “Lẩu khai quang” (Đại lễ mở hào quang cho người làm Then), đó là minh chứng để cho một người có căn duyên hành nghề này được chứng nhận đủ khả năng để tiến hành nghi lễ cúng, bái, cầu an trong đời sống tâm linh của cộng đồng.


Những nghi thức được thực hiện một cách nghiêm cẩn khiến du khách có mặt tại buổi lễ hết sức ngạc nhiên và thú vị. Sau khi , thầy Tào lần lượt cấp các đồ nghề làm then cho con then, mỗi loại đồ nghề thầy lại đọc mấy câu khấn với ý nghĩa trao đầy đủ đồ nghề cho con then, lúc này con then quỳ dưới sân chắp tay nghiêm trang đón nhận, gồm: chiếc mũ 5 dải, cây đàn tính 3 dây, chùm xóc nhạc 5 dây, ấn - tín vật thiêng truyền đời trong nghề làm then thể hiện sự quyền uy khi mang đi thực hiện các nghi lễ trừ tà, bộ quẻ âm dương, chuông, quạt, kiếm, quần áo, đai, hài, giầy… Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, giữ gìn, bảo tồn những yếu tố truyền thống của dân tộc.

 

Ngoài ra, nhiều chương trình dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, giới thiệu đặc sản dân tộc cũng đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với “Ngôi nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.