Họp báo Vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 25/12, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo giới thiệu lễ Vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tới dự buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Đặng Thị Bích Liên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Đinh Thị Lệ Thanh; Chánh Văn phòng Bộ - Phan Đình Tân, đại diện các cơ quan ban ngành trung ương, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đông đảo các hãng truyền hình, thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, khi trèo non, lội suối. Vì vậy, các điệu hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm Cửa quyền… Dân ca Ví, Giặm không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ mà còn là phương tiện biểu đạt nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014 tại Paris, Pháp. Việc ghi danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này, đồng thời giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.

Hiện trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có gần 100 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm cùng 803 nghệ nhân. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp đã quan tâm tới việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm. Hai tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 12 nghệ nhân và đang tiếp tục đề nghị cho 12 nghệ nhân nữa.

Tại buổi họp báo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Thị Lệ Thanh đã thông báo kế hoạch đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự kiến lễ tôn vinh sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 31/01/2015 tại thành phố Vinh với chủ đề “Về miền Ví, Giặm”.     

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có những đặc điểm hết sức nổi bật, tiêu biểu, được UNESCO đánh giá rất cao. Trong buổi bình xét, tất cả các thành viên hội đồng đều bỏ phiếu nhất trí công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong thời gian tới, Thứ trưởng hi vọng, các cơ quan truyền hình, thông tấn báo chí sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ VHTTDL và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tăng cường tuyên truyền, quảng bá cũng như nỗ lực hỗ trợ người dân bảo tồn, phát huy giá trị để loại hình nghệ thuật này ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ.