Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới nhìn từ Hoàng thành Thăng Long”

Bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản Hoàng thành Thăng Long như một công viên lịch sử văn hóa nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của các nhà nghiên cứu bởi di sản chỉ thực sự phát triển khi trở thành địa điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Ngày 23/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới nhìn từ Hoàng thành Thăng Long”. 

Bảo tồn di sản vô giá như Hoàng thành Thăng Long, đòi hỏi mỗi nhà quản lý cần có hướng đi đúng và kế hoạch bảo tồn lâu dài, bền vững thì mới phát huy giá trị di sản của dân tộc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội: Những di sản văn hóa vô giá dưới lòng đất của Di tích Hoàng thành Thăng Long như một lực hấp dẫn đối với những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội và càng nghiên cứu, càng nhận thức sâu sắc hơn giá trị khu di tích. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích là rất cần thiết. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/8/2015, Bộ Xây dựng đã ra quyết định số 975/QĐ-BXD chính thức phê duyệt quy hoạch Di tích Hoàng thành Thăng Long. Quy hoạch này sẽ là cơ sở để tu bổ, tôn tạo vùng lõi của di sản hướng tới mục tiêu chính là xây dựng di sản thành công viên văn hóa du lịch. Cụ thể là bảo tồn tại chỗ, toàn vẹn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu vực Thành Cổ từ Cột Cờ đến Cửa Bắc tạo ra sự liên kết, liên thông giữa các không gian. Quy hoạch này sẽ tạo ra điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích kiến trúc, di vật mang đậm dấu ấn cung đình chạy dài suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất Thăng Long (từ năm 1010 đến 1788) tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Nơi đây đan xen nhiều lớp văn hóa của toàn bộ lịch sử Kinh thành Thăng Long. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở Khu di tích này 53 di tích nền móng kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, 13 đường cống thoát nước thời Lý. Việc nghiên cứu, bảo tồn di sản dưới lòng đất như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là vấn đề rất khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế. Vì vậy, cần có sự tham mưu, cố vấn, giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài và sự hợp lực của các nhà khoa học trong nước thì Hoàng thành Thăng Long mới mới phát huy được giá trị của di sản. Giáo sư William Logan (Khoa Giáo dục và Nghệ thuật, Trường Đại học Deakin, Australia), kiến nghị: Các di tích dưới lòng đất thuộc về các triều đại đầu tiên của Việt Nam, trong khi các công trình trên bề mặt lại thuộc thời kỳ hiện đại, điều này có ý nghĩa tương quan giữa các nền văn hóa. Các kiến trúc trên mặt đất, đặc biệt là tòa nhà thời Pháp và một số công trình quân sự của Việt Nam thời hiện đại đã bị dỡ bỏ từ khi di sản được UNESCO công nhận. Mặc dù cần phải chỉnh trang nhưng không nên để mất tầng văn hóa này, bởi vì đó chính là đặc điểm làm nên giá trị toàn cầu mà Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận cho Hoàng thành Thăng Long.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là trung tâm chính trị nối tiếp nhau của các triều đại phong kiến Việt Nam trong hơn 1 nghìn năm lịch sử, là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Vì những giá trị to lớn của di tích mang tầm vóc thế giới, ngày 31/7/2010 UNESCO đã vinh danh Di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Hiện tại, Di tích Hoàng thành Thăng Long bao gồm 2 khu vực chính: khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu (phần diện tích được UNESCO công nhận là DSTG năm 2010) và phần đối diện gồm các kiến trúc Hậu Lâu, cổng Đoan Môn, nền điện Kính Thiên - vẫn được gọi là khu thành cổ Hà Nội. Khu vực này bắt đầu  có những đợt mở cửa đón khách tham quan từ năm 2004 và đến năm 2010 thì đi vào khai thác thường niên. Một khảo sát của các chuyên gia Pháp đã được đưa ra tại Hội thảo: với diện tích hơn 18.3 ha, quần thể này có đủ khả năng đón tiếp một lượng khách du lịch lên tới gần 2,4 triệu người/năm. Cụ thể, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu có thể đón 1.500 khách/ngày (547.500 khách/năm) trong khi khu thành cổ đón 5.000 du khách/ngày (1,825 triệu khách/năm). Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội (đơn vị quản lý Hoàng thành Thăng Long), lượng du khách tới đây còn khá khiêm tốn. Cụ thể, thống kê vào 3 tháng cuối năm 2012 cho thấy lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long là gần 45.000 người. Trong năm 2013 và 2014, các con số này là 120.000 và 160.000 lượt người. Còn ở thời điểm hiện tại, thống kê chưa đầy đủ cho biết: có khoảng 150.000 lượt người đã tới Hoàng thành Thăng Long trong năm 2015. 

Nguồn: cinet.vn