Góp sức thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển

Ngày 11/1 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc gặp gỡ đầu năm với lãnh đạo các Hiệp hội Du lịch, Lữ hành, Khách sạn; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn hàng đầu Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc gặp gỡ

Dự buổi làm việc có lãnh đạo Tổng cục Du lịch: Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn; các Phó Tổng cục trưởng: Hà Văn Siêu, Nguyễn Quốc Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng, lãnh đạo Sở VHTTDL các địa phương trọng điểm về du lịch cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Mở đầu cuộc gặp gỡ, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã báo cáo một số nét nổi bật về hoạt động của ngành Du lịch trong năm 2014 và những định hướng trong năm 2015. Tổng cục trưởng cho biết: Trong năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhiều biến cố tác động tiêu cực đến du lịch. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành, địa phương, Du lịch Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng. Năm 2014, Du lịch Việt Nam đón 7,87 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 38,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ kinh doanh từ Du lịch đạt 230 ngàn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013). Đáng chú ý nhất, ngày 8/12/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới nhằm tăng cường liên kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch. Ngoài ra, trong năm 2014, Du lịch Việt Nam đã đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá trong nước và quốc tế, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các điểm đến, tạo sự hấp dẫn của các điểm đến đối với du khách như: Hạ Long, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Thuận… Ngành Du lịch phối hợp tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt; Triển khai có hiệu quả 2 chương trình xúc tiến, quảng bá và Chương trình hành động Quốc gia… Ở nhiều địa phương, môi trường du lịch từng bước được cải thiện. Quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động du lịch, từng bước khẳng định được vai trò của các Doanh nghiệp, cũng như sự nỗ lực của các địa phương, sự tham gia của cộng đồng, góp phần tạo nên hình ảnh mới, ấn tượng của Du lịch Việt Nam: An toàn, thân thiện và mến khách đối với du khách. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai vẫn còn nổi lên một số tồn tại: Sản phẩm liên kết chưa đạt hiệu quả cao; Môi trường du lịch đã từng bước được cải thiện nhưng cần có bước đột phá, sâu rộng hơn. Công tác quảng bá, xúc tiến cần tập trung hơn theo hướng chuyên nghiệp, cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước ở chính quyền cấp cơ sở đối với hoạt động Du lịch.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu

Đề cập về những nội dung hoạt động trong năm 2015, Tổng cục trưởng cho hay: Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đáng chú ý là kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2015); tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa… Ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 92/NQ-CP, triển khai chiến lược Maketing Du lịch Việt Nam đến năm 2020. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến, quảng bá, kích cầu nội địa. Tập trung sửa đổi Luật Du lịch; Khắc phục những hạn chế, tồn tại trong xây dựng sản phẩm, liên kết doanh nghiệp, địa phương, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường, đẩy mạnh môi trường du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động đổi mới, hội nhập, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng. Tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch Du lịch Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ…

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng đã đề cập nét khái quát và những nội dung chính của Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới.

Tại cuộc gặp gỡ, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng đã báo cáo về định hướng phát triển thị trường quốc tế trong thời gian tới, theo mục tiêu xây dựng và quảng bá Du lịch Việt Nam gắn với điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn, chất lượng, dịch vụ. Định vị Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng. Nâng cao nhận thức về chất lượng và sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm du lịch, tạo cơ hội hợp tác, marketing du lịch với hoạt động giao lưu văn hóa, giữa các thành phần kinh tế, tăng cường các hoạt động công tư nhằm nâng cao hiệu quả, chuyên nghiệp hóa công tác marketing Du lịch. Định hướng phát triển thị trường quốc tế, sẽ tập trung vào: “Thị trường ưu tiên marketing” gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Nga, ASEAN, Úc và Newzealand; “Thị trường duy trì marketing” gồm: Các nước Tây Âu: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Bắc Âu, Bắc Mỹ; “Thị trường tiềm năng cần tập trung phát triển” gồm: Ấn Độ, Trung Đông.

Đối với thị trường trong nước, định hướng thị trường và sản phẩm du lịch sẽ phân đoạn theo mục đích chuyến đi: Nghỉ dưỡng, tham gia lễ hội, tâm linh; du lịch cuối tuần, mua sắm; du lịch kết hợp công vụ; du lịch chuyên biệt: Sinh thái, mạo hiểm, chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp… Sản phẩm du lịch ưu tiên: Nghỉ dưỡng tại biển, vùng núi, cao nguyên; Du lịch Văn hóa, Lễ hội; Du lịch sinh thái, khám phá, MICE, thăm thân…

Thay mặt Cục hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL, Phó Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa đã đề cập về Kế hoạch xúc tiến, quảng bá Du lịch Việt Nam tại Thị trường châu Âu giai đoạn 2015-2017. Nội dung sẽ tập trung: Tổ chức các chương trình phát động thị trường giới thiệu điểm đến, sản phẩm Du lịch Việt Nam; Tham gia các Hội chợ Du lịch quốc tế lớn tại thị trường châu Âu; Tổ chức các đoàn khảo sát gồm các Hãng Lữ hành, báo chí nước ngoài đến tìm hiểu thông tin, đưa tin về Du lịch Việt Nam; Quảng bá du lịch gắn với các sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế; Quảng cáo - Truyền thông; các hoạt động giới thiệu ẩm thực Việt Nam…

Tại cuộc gặp gỡ, các ý kiến phát biểu đã nêu rõ: Trong năm 2014 đã có không ít những khó khăn, thử thách, bằng sự nỗ lực của toàn ngành trong đó có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, của Bộ VHTTDL cùng các doanh nghiệp, địa phương, ngành Du lịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sự quan tâm của Chính phủ, thể hiện rõ ở Nghị Quyết 92/ NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển Du lịch Việt Nam, đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng và cần thiết đối với ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay. Gần đây nhất có ý kiến đề xuất của TCDL, Bộ VHTTDL và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có chỉ đạo tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam bằng tàu biển. Các ý kiến phát biểu hoàn toàn nhất trí với những chương trình nội dung, kế hoạch mà TCDL, Bộ VHTTDL sẽ triển khai, thực hiện trong năm 2015, đó là những nội dung định hướng hết sức cần thiết để các doanh nghiệp, địa phương có sự phối hợp, kết nối trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, góp sức thúc đẩy Du lịch Việt Nam có bước phát triển mới trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch, xúc tiến, quảng bá, các doanh nghiệp sẽ có sự phối hợp chặt chẽ cùng TCDL, các Hiệp hội, địa phương cũng sẽ phối hợp cùng TCDL phổ biến, triển khai Nghị quyết 92/NQ-CP đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch

Phát biểu kết luận cuộc gặp gỡ, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, Hiệp hội, sự vào cuộc của các Bộ, ngành địa phương, khắc phục khó khăn, cùng góp sức tạo nên những kết quả đáng ghi nhận. Thứ trưởng trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu hết sức chân tình, thẳng thắn của lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp với sự phát triển của ngành Du lịch về xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường, xây dựng sản phẩm, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao, việc mở Văn phòng đại diện ở nước ngoài, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển giữa các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương vì lợi ích chung. Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Bộ VHTTDL, TCDL sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đề ra các giải pháp triển khai, thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Bộ VHTTDL rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng chung sức để thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển trong xu thế hội nhập.

Quảng cáo: Shop đồ phượt HCM | Shop đồ phượt Vũng Tàu | Shop đồ phượt Trà Vinh | Shop đồ phượt Phú Thọ | Shop đồ phượt Đà Nẵng | Shop đồ phượt Gia Lai