Bàn các giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển

Ngày 19/5, phiên họp lần thứ 6 của Hội đồng Tư vấn Du lịch đã diễn ra tại Hà Nội nhằm tìm ra các giải pháp và các kế hoạch hành động ưu tiên để triển khai Nghị quyết 92/NĐ-CP của Chính phủ trên cả ba lĩnh vực: xúc tiến quảng bá du lịch, quản lý chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực du lịch và chính sách và thể chế.

 Phiên họp lần thứ 6 của Hội đồng Tư vấn Du lịch. Ảnh: HL

Phiên họp được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU-ESRT).

Tại phiên họp, các Tổ trưởng các Tổ công tác của Hội đồng lần lượt cập nhật thông tin về các hoạt động đã thực hiện kể từ phiên họp thứ 5 (ngày 12/12/2014). Trong thời gian qua, Tổ công tác về Quản lý chất lượng dịch vụ du lịch và Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã tham mưu, đề xuất Hội đồng ban hành Công văn số 02 ngày 31/3/2015 gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về việc áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

Trong khi đó, Tổ công tác về Chính sách và Thể chế đã họp thảo luận những vấn đề trọng tâm như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực Du lịch thông qua các chính sách liên quan tới thuế đất; tạo thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam thông qua chính sách thị thực; hợp tác chặt chẽ và tích cực hơn với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, tài liệu và các thông tin đầu vào để xây dựng Quỹ phát triển Du lịch cũng đã được Tổ xây dựng.

Về hoạt động Quảng bá xúc tiến Du lịch, Tổ công tác chuyên trách cũng đã tổ chức hai cuộc họp nhằm báo cáo Tổng cục trưởng về kết quả nghiên cứu để nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch và tình hình triển khai công tác hỗ trợ Tổng cục đổi mới trang web chính thức của Du lịch Việt Nam. Đồng thời, Tổ công tác cũng đang tích cực hỗ trợ Tổng cục Du lịch xây dựng ba video quảng bá du lịch Việt Nam và triển khai chiến dịch tiếp thị trực tuyến (e-marketing) cho Tổng cục.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu tham dự phiên họp cũng đã thảo luận về tình hình triển khai cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và phương hướng giải quyết. Đặc biệt, từ Nghị quyết 92/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 8/12/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Hội đồng đã xác định các kế hoạch hành động ưu tiên trong thời gian tới, tập trung vào hai lĩnh vực là xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch và cải thiện môi trường Du lịch.

Ông Vũ Quốc Trí - Giám đốc Dự án EU-ESRT đã trình bày các đề xuất về hướng hoạt động và phát triển của Hội đồng Tư vấn Du lịch trong tương lai. Ông Trí cũng chỉ ra Hội đồng đang có nhiều cơ hội thuận lợi trong việc đóng góp công sức và chia sẻ lợi ích chung đối với sự phát triển du lịch bền vững, khi các ý kiến tư vấn của Hội đồng ngày càng được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng như Chính phủ quan tâm, lắng nghe và tin tưởng. Tuy nhiên, Hội đồng cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó nổi bật nhất là tính bền vững, sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin giữa các thành viên Hội đồng và Tổng cục Du lịch.

Để giải quyết các thách thức nêu trên, ông Trí đề xuất thành lập Quỹ hoạt động của Hội đồng nhằm hỗ trợ các hoạt động và duy trì Ban Thư ký. Một Ban Thư ký chuyên trách cũng được đề xuất thành lập, tạo cầu nối tích cực giữa các thành viên Hội đồng với Tổng cục Du lịch. Cuối cùng, cần thiết lập cơ chế trực tiếp kết nối và chia sẻ thông tin thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm tránh lãng phí thời gian và công sức.

Hội đồng Tư vấn Du lịch được thành lập vào ngày 27/11/2012, nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến du lịch bền vững bằng việc xây dựng và triển khai hợp tác công - tư và đối thoại công - tư. Hội đồng sẽ tận dụng những nguồn lực của khu vực nhà nước và tư nhân, thúc đẩy việc đối thoại và chia sẻ thông tin, kiến thức giữa các doanh nghiệp du lịch với cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch để tạo ra một chiến lược ngành thống nhất và toàn diện.

Hội đồng Tư vấn Du lịch bao gồm hơn 20 cá nhân có ảnh hưởng lớn trong ngành Du lịch, bao gồm từ Giám đốc điều hành của các khách sạn, các công ty lữ hành, doanh nghiệp vận tải, chủ tịch của các hiệp hội du lịch, lãnh đạo của một số cơ sở đào tạo, đại diện từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng thương mại châu Âu, tới cán bộ quản lý cao cấp từ khu vực nhà nước. Hội đồng Tư vấn Du lịch sẽ tư vấn cho Tổng cục Du lịch, góp phần giúp ngành Du lịch Việt Nam vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển.