Cảnh giác các chiêu lừa tiếp thị

Cảnh giác các chiêu lừa tiếp thị
Các đối tượng xấu len lỏi vào khu trọ, chung cư cho công nhân, chúng giả danh nhân viên tiếp thị, đi giới thiệu sản phẩm, bốc thăm trúng thưởng khiến nhiều người bị dính "bẫy tiếp thị"

   Các đối tượng xấu len lỏi vào khu trọ, chung cư cho công nhân, chúng giả danh nhân viên tiếp thị, đi giới thiệu sản phẩm, bốc thăm trúng thưởng khiến nhiều người bị dính "bẫy tiếp thị".

Những chiêu lừa "kinh điển"

Chị Đỗ Thị H. - công nhân của một công ty liên doanh hiện đang ở trọ tại Cổ Nhuế, Từ Liêm (Hà Nội) là nạn nhân bị lừa mất hơn 10 triệu đồng tiền mặt và nhiều tài sản khác, kể lại sự việc: Ngày 10/7 có một người tự xưng là nhân viên một siêu thị ở Hà Nội đến phòng khi chúng tôi đang ngủ trưa. Họ giới thiệu sản phẩm, chương trình bốc thăm trúng thưởng và lấy ra hai túi trà pha mời chúng tôi dùng thử, một trong hai túi trà chanh trúng tủ lạnh nhãn hiệu Toshiba trị giá gần 10 triệu đồng.

Lúc đầu chúng tôi còn chút nghi ngờ nhưng khi họ đưa ra cả bản danh sách mã số trúng thưởng, chúng tôi tin. Khi dò mã số thì chị em tôi còn trúng thêm 1 laptop. Họ còn bảo có tài sản trị giá từ 200.000 đồng trở lên thì đưa cho họ để được nhân đôi giải thưởng. Thế là bông tai, nhẫn, tiền mặt, điện thoại,... tự tay đưa hết cho họ. Trước khi ra về hai nhân viên còn căn dặn, chuyện này không nên cho người thứ 3 biết, và cứ ở trong phòng chờ họ quay lại cùng công ty trao giải thưởng. Nhưng hỡi ơi càng chờ càng mất dấu lúc đó chúng tôi mới biết là mình đã bị lừa.

Một số đối tượng lừa đảo bị bắt giữ

Một nạn nhân khác là chị Nguyễn Ngọc M. (18 tuổi, ngụ huyện Giồng Tôm, An Giang) đang ở phòng trọ một mình. Lúc này, có hai đối tượng giới thiệu là nhân viên của Công ty Nescafe đi bán sản phẩm có khuyến mãi "đậm". Khách hàng mở sản phẩm ra sẽ nhận được nhiều giải thưởng có giá trị hấp dẫn như máy ảnh kỹ thuật số, ĐTDĐ N82... từ Công ty Nescafe. Trước những lời mật ngọt của hai ả này, chị M. bị lôi cuốn theo lời bọn chúng giới thiệu.

Tiếp đó, chị M cắt gói Nescafe xem giải thưởng bên trong, một ả nhanh nhẹn kêu nạn nhân đưa kiểm tra giá trị phần thưởng. Lợi dụng lúc chị M. đi lấy ly đổ bột cà phê vào, một người đã lén bỏ phiếu trúng thưởng vào bên trong gói Nescafe. Sau đó, chị M. quay lại được biết mình đã trúng máy ảnh kỹ thuật số, ĐTDĐ N82 cùng một lúc.

Lúc này, hai đối tượng đưa ra điều kiện chị M. phải đóng góp 497.000Đ cho quỹ từ thiện, khách hàng không có tiền mặt thì ký gửi tài sản có giá trị tương đương với số tiền trên. Sau đó, khoảng hai giờ khách hàng sẽ được nhân viên siêu thị BigC mang phần thưởng đến tận nơi. Do chị M. không có tiền phải thế chấp bông tai và nhẫn vàng của mình. Sau đó, bọn chúng lấy tài sản của nạn nhân bỏ đi hẹn hai giờ sau quay lại trao phần thưởng.

Không chỉ những người lao động chân tay mới bị lừa, cả những sinh viên cũng là đối tượng để bọn lừa đảo bằng hình thức tiếp thị khai thác triệt để. Trường hợp chị K - hiện đang là sinh viên một trường đại học là một ví dụ. Vào một buổi sáng, chị K cùng hai người bạn đang ở phòng trọ thì có hai phụ nữ trạc 25 - 30 tuổi bước vào. Họ xưng là nhân viên tiếp thị của siêu thị Metro đi phát quà khuyến mại với giấy giới thiệu kèm theo. Một trong hai phụ nữ có tên trong giấy giới thiệu đã đưa cho chị K tuýp sữa rửa mặt Ponds nói: Đây là khách hàng thứ 200 mới được nhận quà khuyến mại với cơ cấu giải thưởng rất lớn.

Sau khi bóc tuýp Ponds ra, bên trong ghi trúng giải thưởng là một tivi trị giá 6,6 triệu đồng cộng với một điện thoại Nokia trị giá 9 triệu, tổng giá trị phần thưởng là 15,6 triệu đồng. Nhưng ngay sau đó, nhân viên tiếp thị này nói với chị K rằng chị có muốn trích khoản tiền này làm từ thiện không? Nếu chị K. làm từ thiện thì sẽ được nhân đôi số tiền và khoản tiền bù thêm đó sẽ do siêu thị bỏ ra để lấy tiếng, chứ khách hàng không phải bỏ ra.

Hai nhân viên tiếp thị vận động chị K làm từ thiện tùy theo giá trị quà hiện có. Qua một hồi trao đổi, nghĩ rằng làm từ thiện thì tốt nên chị K cùng hai người bạn đồng ý gom được 2, 9 triệu đồng; một thẻ tài khoản mang tên Nguyễn Thị Lĩnh có 800.000 đồng và ba chiếc điện thoại. Để tạo niềm tin, người phụ nữ nói là nhân viên tiếp thị để lại giấy giới thiệu, giấy biên nhận, số điện thoại... rồi nhanh tay gom toàn bộ số tiền, thẻ tài khoản và ba chiếc điện thoại trên cho vào túi với lý do phải ra siêu thị gần nhất để thẩm định giá trị thực của ba điện thoại vừa nhận.

Gặp nạn cũng vì lòng tham

Cũng với thủ đoạn trên nhưng nhiều người bị lừa những mặt hàng tiếp thị khác nhau như dầu gội đầu, sữa rửa mặt, kem đánh răng... Điều đáng nói, trong số những người bị "trúng thưởng bất đắc dĩ", không ít người đã từng biết đến những vụ lừa đảo tương tự qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Chị Nguyễn Thị S - một nạn nhân của trò lừa đảo này cho biết: "Trước đây, sau khi đọc nhiều bài báo có thông tin về những vụ lừa đảo của những ả tiếp thị dỏm trên báo chí, mình đã căn dặn người thân trong nhà nên cẩn thận với mấy người đến nhà tiếp thị. Thế nhưng chẳng hiểu sao, cách đây 2 tháng chính mình lại là nạn nhân của những ả tiếp thị dỏm mới xấu hổ chứ. Thật ra thì do mình tham lam quá chứ không thì đâu bị họ lừa...".

Cũng như trường hợp của chị K, chị S bị một ả tiếp thị dỏm lừa bằng chiêu tiếp thị sữa rửa mặt. Kết cục, chị S cũng đã "đổi" sợi dây chuyền 2 chỉ vàng 18K để lấy một đồng hồ trị giá 30.000 đồng và mớ giấy... hẹn của ả tiếp thị dỏm.

Còn chị Lê Thị T là công nhân của một khu công nghiệp đã từng là nạn nhân mắc "bẫy tiếp thị" tâm sự: "Họ vào phòng rồi ngồi trò chuyện như bình thường, nhưng không biết thế nào họ nói gì mình làm theo đó, không tự chủ được suy nghĩ, hành động của mình. Mỗi băn khoăn, nghi ngờ đặt ra câu hỏi chưa kịp hỏi thì lập tức đã bị xóa đi và chỉ chăm chăm nghe họ nói. Giờ cứ có người gọi phòng em không dám mở cửa, nghĩ đến tiếp thị, trúng thưởng là em thấy rùng mình rồi!".

"Số tiền bị mất đối với một công nhân đồng lương trên dưới 2 triệu đồng /tháng thì họ phải tằn tiện chi tiêu, chắt bóp trong một thời gian dài mới có được. Cách tốt nhất là tự phòng thân thôi, không tiếp người lạ, nhất là nhân viên tiếp thị, bốc thăm trúng thưởng bởi các đối tượng lừa đảo đều đánh vào lòng tham của nạn nhân, thế nên không tham cũng là cách để tránh bị sập bẫy." - một công nhân chia sẻ.

Có thể thấy, chỉ cần một tờ giấy giới thiệu giả các đối tượng vẫn ngày đêm len lỏi để tìm con mồi và những nạn nhân của các vụ lừa đảo tiếp thị nêu trên đều bị những đối tượng lừa đảo đánh vào lòng tham. Bởi như những kẻ lừa đảo khi bị bắt đã khai nhận những đối tượng chúng nắm vào thường là những người phụ nữ có đeo nữ trang và đang ở nhà một mình. Sau khi giới thiệu, sẽ quan sát khuôn mặt họ rồi tùy cơ ứng biến. Thấy họ có vẻ dễ tin thì các thị lừa, còn không thì thôi... Và từ những vụ lừa đảo trên cũng chính là lời cảnh tỉnh, bài học nhãn tiền cho những ai thích "hàng trúng thưởng" của những ả tiếp thị lang thang.