Những ngày Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng

Thứ năm - 10/03/2016 13:25


Từ ngày 21-23/11/2014, Những ngày "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" với chủ đề "Đoàn kết - Hợp tác - Phát triển" đã diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc

Đây là sự kiện do Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức nhằm quảng bá về đất nước, con người cũng như giới thiệu các giá trị văn hóa tiêu biểu, những nỗ lực trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Đồng thời góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN.

Lễ khai mạc diễn ra tối ngày 21/11 có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh; lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện Đại sứ quán các nước trong khối ASEAN tại Việt Nam. Đoàn chủ nhà Việt Nam có sự tham gia của 200 đồng bào dân tộc thiểu số như: dân tộc Mường của tỉnh Hòa Bình, dân tộc Thái và dân tộc H’Mông của tỉnh Sơn La, dân tộc Chăm của tỉnh Bình Thuận, dân tộc Ba Na và dân tộc Gia Rai của tỉnh Kon Tum và sinh viên các dân tộc Ê Đê, Xơ Đăng, M’Nông, Giẻ Triêng của Trường trung cấp Đam San, tỉnh Đắk Lắk.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ khai mạc

Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc gắn kết tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Đây là hoạt động có ý nghĩa trước thềm ASEAN hướng tới hình thành cộng đồng kinh tế vào năm 2015.

Trong khuôn khổ sự kiện này, nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra tại các không gian văn hóa khác nhau như: Không gian quảng bá, giới thiệu du lịch và hình ảnh đất nước, con người các nước ASEAN; giới thiệu di sản văn hóa, thể thao truyền thống các nước ASEAN và giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Tái hiện lễ hội Katê của dân tộc Chăm Bà La Môn

Ngoài ra, nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng được tái hiện như: Lễ Xíp Xí của đồng bào dân tộc Thái trắng với mục đích giúp con cháu hướng về tổ tiên, trời đất để cầu mong cuộc sống an lành; Lễ cầu an độc đáo của đồng bào Ba Na với mong muốn cầu cho dân làng ấm no, khỏe mạnh, tránh khỏi chiến tranh, dịch bệnh, xua đuổi những xui xẻo, tai họa khỏi buôn làng; Lễ hội cầu mưa của dân tộc Gia Rai để cầu mong thần linh đem mưa về cho buôn làng trồng cấy; Lễ rước cây nêu cầu an của người Ê đê cầu thần linh phù hộ cho sức khỏe, cuộc sống no đủ, luôn được thần sông, thần núi che chở; Lễ hội Katê của dân tộc Chăm với ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.

Thế Phi - Phạm Thanh - Thanh Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

đồ phượt | http://votruongtoan.edu.vn | tu dong inox cu

Close