Lễ đón bằng công nhận vườn quốc gia Côn Đảo là khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam
Thứ sáu - 18/03/2016 09:01
Vườn quốc gia Côn Đảo
Đây là vinh dự cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tạo cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế và trong nước tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật nhằm bảo tồn, sử dụng và phát triển có hiệu quả khu Ramsar này.
Ngoài nội dung công bố Công ước Ramsar, trong khuôn khổ buổi lễ còn có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về Công ước Ramsar và các giá trị mà khu Ramsar sẽ mang lại, góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu đến với VQG Côn Đảo.
VQG Côn Đảo thỏa mãn 5/9 tiêu chí theo công ước Ramsar, đó là: (I) mẫu chuẩn về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên ở vùng biển phía Đông – Nam của Việt Nam và của khu vực; (II) là nơi phân bố của các loài cực kỳ nguy cấp và các quần xã sinh thái đang bị đe dọa; (III) đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật có ý nghĩa trong việc duy trì đa dạng sinh học quan trọng tại Việt Nam và của khu vực; (IV) đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật đang trong giai đoạn quyết định vòng đời, là nơi trú ẩn cho các loài này khi chúng gặp điều kiện nguy hiểm; (V) là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài động vật thủy sinh, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư mà nhờ đó các loài động vật này có thể sinh sôi, nảy nở tại khu vực biển phía Đông – Nam của Việt Nam và của khu vực.
Nằm ở trung tâm quần đảo Côn Đảo, cách bờ biển Việt Nam khoảng 80km, VQG Côn Đảo có tổng diện tích gần 20.000ha, trong đó có 14.000ha biển và gần 6.000ha rừng. Rừng ở Côn Đảo chủ yếu là rừng nguyên sinh, thuộc hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo, bao gồm 882 loài thực vật, gần 150 loài động vật, trong đó nhiều loài quý hiếm chỉ có ở Côn Đảo như: sóc đen, thạch sùng có cánh, chim điên mặt xanh, chim nhiệt đới, chim bồ câu Nicba, gầm ghì trắng…
Hệ sinh thái biển của VQG Côn Đảo cũng rất phong phú, đa dạng với 285 loài san hô cứng, 84 loài rong biển, 202 loài cá, 153 loài thân mềm, 130 loài giun nhiều tơ, 110 loài giáp xác, 46 loài da gai, trong đó có bò biển Dugong, một trong những loài còn rất ít trên thế giới. Bên cạnh đó, hệ sinh thái thảm cỏ biển ở Côn Đảo - loài thực vật có hoa ngầm sống trong môi trường nước biển – có diện tích khoảng 200ha là nơi sinh sống của 9/16 loài cỏ biển trên thế giới.
Năm 1995, VQG Côn Đảo đã được đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu và Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 18/6/2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã ký quyết định công nhận VQG Côn Đảo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới, khu Ramsar thứ 6 và cũng là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Trước đó, các VQG Tràm Chim (Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (Cà Mau), Xuân Thủy (Nam Định), Ba Bể (Bắc Kạn) và vùng ngập nước Bàu Sấu thuộc VQG Cát Tiên (Đồng Nai) cũng đã được công nhận là các khu Ramsar thế giới.
VQG Côn Đảo là điểm đến lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động thực vật đặc hữu quý hiếm. Mỗi năm, Côn Đảo đón và phục vụ khoảng 1.500 du khách tham gia bơi, lặn ngắm san hô và khám phá các loại sinh vật biển.
Để thực hiện sứ mạng của Công ước Ramsar là: “Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”, sau khi VQG Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar thế giới, Ban Quản lý VQG tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích cộng đồng sử dụng tài nguyên một cách bền vững như chuyển đổi ngành nghề ít ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; khuyến khích và hướng dẫn ghe, tàu vận chuyển khách du lịch không thả neo trực tiếp trên rạn san hô, cỏ biển mà buộc vào các phao neo cố định…
Phạm Phương
Những tin mới hơn
- Xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch trọng điểm cả nước (18/03/2016)
- Triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (18/03/2016)
- Kỷ niệm 15 năm Hà Nội được công nhận là “Thành phố vì hoà bình” (18/03/2016)
- Cơ hội mở rộng hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo (18/03/2016)
- Di tích lịch sử Phần Mộ Lý Tự Trọng được xếp hạng di tích cấp quốc gia (18/03/2016)
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Bộ VHTTDL (18/03/2016)
- Trưng bày ảnh “Khám phá di sản thế giới” (18/03/2016)
- Ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác để phát triển du lịch (18/03/2016)
- Nâng cao nhận thức bảo tồn di sản thông qua trưng bày ảnh (18/03/2016)
- Triển lãm ảnh di sản Việt Nam quy tụ 100 tác phẩm xuất sắc (18/03/2016)
Những tin cũ hơn
- Tọa đàm “Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám (04/11/1904 - 04/11/2014)” (18/03/2016)
- Tìm hướng đi thu hút khách du lịch châu Âu tới Việt Nam (18/03/2016)
- Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2014 - 2015 (18/03/2016)
- Vẻ đẹp Việt Nam qua triển lãm ảnh di sản 2014 (18/03/2016)
- Rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch Mộc Châu (18/03/2016)
- Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Belarus (18/03/2016)
- Chuẩn bị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (18/03/2016)
- Việt Nam tham dự Hội chợ Du lịch Thế giới London (18/03/2016)
- Thông tin thêm về số liệu điều tra khách du lịch do Dự án EU thực hiện (18/03/2016)
- Tổ chức Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2015 (18/03/2016)
Ý kiến bạn đọc