Hà Nội: Lần đầu tiên tái hiện Lễ hỏi chồng của đồng bào Ê-đê

Thứ bảy - 27/02/2016 08:52


Ngày 28/6, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức tái hiện Lễ hỏi chồng của đồng bào dân tộc Ê-đê tại Không gian Làng dân tộc Ê-đê.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động với chủ đề “Văn hóa Tây Nguyên với truyền thống gia đình mẫu hệ” nhằm chào mừng Ngày gia đình Việt Nam (28/6) diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 26 - 28/6/2015.

Theo ban tổ chức, đây là lần đầu tiên lễ hội này được tái hiện tại Hà Nội nhằm giới thiệu tới người dân thủ đô và các địa phương lân cận những nét văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam nói chung và nét văn hóa truyền thống đặc trưng của gia đình các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, trong đó nổi bật là truyền thống gia đình mẫu hệ. Qua đó góp phần tiếp tục bảo tồn sự đa dạng văn hóa của hơn 54 dân tộc anh em, cũng như từng bước tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo tục lệ của đồng bào Ê-đê (Đắk Lắk), các cô gái đến tuổi phải tự đi kiếm chồng và chịu phí tổn toàn bộ tiền cưới. Khi đã “nhằm” một chàng trai nào đó, cô sẽ nhờ ông “mai” đem một chiếc vòng đồng sang nhà chàng trai để hỏi chồng. Chàng trai thấy “ưng bụng” thì sờ tay vào chiếc vòng đồng ấy, rồi làm lễ nhận vòng. Vậy là sự “ràng buộc” giữa hai nhà đã có sợi dây thân thiết. Điều này cho phép cô gái có thể ở lại nhà trai cho đến khi gia đình có đủ lễ vật để rước rể về. Họ có thể có con nhưng với điều kiện cô gái đủ 18 tuổi và chàng trai là 20 tuổi. 

Lễ rước rể sẽ được nhà gái tiến hành với đủ các lễ vật đặc trưng của đồng bào Ê-đê gồm: vòng đồng, rượu cần, thịt lợn... Những chiếc vòng đồng sẽ được họ hàng hai bên trao cho cô dâu và chú rể như những lời nhắc nhở lòng thủy chung và lời chúc tụng hạnh phúc dành cho hai người.

Bên cạnh lễ hội này, du khách còn có cơ hội tham quan triển lãm ảnh truyền thống gia đình mẫu hệ và tượng điêu khắc Tây Nguyên; các chương trình dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc và giới thiệu một số sản phẩm thủ công truyền thống, sản vật dân tộc của các nghệ nhân dân tộc Ê-đê./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

đồ phượt | http://votruongtoan.edu.vn | tu dong inox cu

Close