Đại sứ Thụy Điển đánh giá cao công tác chuẩn bị cho IPU-132

Chủ nhật - 28/02/2016 23:09


Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28/3-1/4 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.”

Nhân dịp này, Đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội Camilla Mellander đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

 


Đánh giá về sự chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam, Đại sứ Camilla Mellander nhận xét: "Đón tiếp hàng nghìn đại biểu từ hơn 150 nước hoàn toàn là một thách thức. Qua những gì tôi đã trải nghiệm cho đến nay, tôi thấy Việt Nam đang tiến hành công việc một cách xuất sắc nhằm chuẩn bị cho hội nghị rất quan trọng này.


Tôi được thông báo rằng nhiều cơ quan và bộ đã được huy động để xây dựng những kế hoạch chi tiết và củng cố sự phối hợp nhằm hoàn thiện công việc chuẩn bị theo đúng kỳ hạn và tất cả những công việc này đều được Quốc hội và Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo. Tôi tin rằng Đại hội đồng IPU-132 sẽ là sự kiện thành công và vĩ đại đối với nước chủ nhà Việt Nam."


Vai trò chủ chốt của các nghị viện


Cho biết ý kiến về chủ đề và chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU-132, Đại sứ Camilla Mellander chia sẻ: "Chúng ta đang đứng ở điểm khởi đầu của một năm vô cùng trọng đại đối với hành động cho phát triển toàn cầu. Năm 2015 tạo cho chúng ta một cơ hội không có lần thứ hai trong đời. Sẽ có một số những hội nghị cấp cao quan trọng, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Mục tiêu phát triển bền vững mới vào tháng Chín và Hội nghị Biến đổi khí hậu ở Paris vào tháng 12. Kết quả của những tiến trình này sẽ có ảnh hưởng lớn lao đến hàng loạt sự kiện trên thế giới trong thời gian dài sắp tới.


Là một diễn đàn các nghị viện trên toàn thế giới nhằm đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm, Đại hội đồng IPU-132, sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị cho các nghị viện tham dự những hội nghị đánh dấu mốc quan trọng. Khi thế giới ngày càng trở nên toàn cầu hóa hơn, tổ chức toàn cầu và hợp tác toàn cầu trở nên càng quan trọng hơn, những vấn đề trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU-132 phản ánh điều này rất rõ, trong đó những mục tiêu phát triển bền vững, quản trị nước, luật quốc tế và an ninh mạng là những vấn đề không những cần có sự hợp tác quốc tế mà còn là điều kiện tiên quyết cho hành động.


Những vấn đề bền vững càng ngày càng trở nên quan trọng. Nền tảng cho sự hợp tác toàn cầu đối với vấn đề này đã có sẵn rồi, chỉ thiếu hành động cụ thể và ở đây các nghị viện đóng vai trò chủ chốt. Cuộc chiến tranh mạng đang vượt khỏi biên giới pháp lý và là điều mà tôi e rằng chúng ta có thể trong tương lai sẽ ngày càng nhận ra rõ hơn. Tiếp cận với nước luôn là nguồn gốc của những cuộc xung đột bởi vì nguồn nước không tôn trọng biên giới chính trị giữa các quốc gia."


Nêu cao những giá trị cốt lõi


Đại sứ Camilla Mellander cho biết: "Đoàn đại biểu Thụy Điển do ngài Urban Ahlin (thuộc Đảng Dân chủ Xã hội), Chủ tịch Riksdag (Nghị viện Thụy Điển) dẫn đầu.


Đã 20 năm qua, đến nay mới lại có một Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển sang thăm chính thức Việt Nam. Năm 1995, bà Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển Birgitta Dahl là Chủ tịch đầu tiên một nước Phương Tây nói chuyện tại Quốc hội Việt Nam.


Ngài Ahlin là một người đàm phán giỏi và có kinh nghiệm trong chính trị đối ngoại. Tháp tùng ngài Chủ tịch là 6 nghị sỹ thuộc 4 chính đảng khác nhau. Họ là những người đại diện cho Thụy Điển trong hai ủy ban, đó là Ủy ban Chỉ đạo về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (Dubbellkolla) và Ủy ban về những vấn đề Trung Cận Đông. Monica Green, thành viên của Ủy ban về Những vấn đề Trung Cận Đông có một nhiệm vụ trọng đại hiện nay liên quan đến tình hình Iraq và Syria. Bà sẽ đóng góp vào cuộc thảo luận thông qua việc nêu cao những giá trị cốt lõi của Thụy Điển như bình đẳng, công khai và dân chủ.


Thụy Điển là thành viên tham gia lâu đời và mạnh mẽ trong tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới. Vị tổng thư ký trước đây của Liên minh Nghị viện Thế giới là người Thụy Điển. Chúng tôi đã trở thành một phần của Liên minh Nghị viện Thế giới từ năm 1890. Thụy Điển là một nước nhỏ, trung lập với một lịch sử lâu dài trong hợp tác quốc tế. Những cuộc đàm phán giữa các đảng khác nhau là một quy luật, chứ không phải là ngoại lệ trong nghị viện của chúng tôi."


Nâng con số các nghị sỹ nữ


Chia sẻ những trông đợi về kết quả của Đại hội đồng IPU-132 trong việc thúc đẩy hợp tác và phối hợp hành động nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu, Đại sứ Camilla Mellander bày tỏ: "Những kỳ vọng của tôi đối với Đại hội đồng IPU-132 là rất cao. Nhu cầu làm tăng sự hiểu biết và hợp tác giữa các nước và nhóm nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Qua chia sẻ kinh nghiệm giữa các nghị viện trong Liên minh Nghị viện Thế giới cũng có thể giúp các nghị viện trở nên có hiệu quả và trách nhiệm hơn để hoàn thành nhiệm kỳ của mình. Các nghị viện các quốc gia có vai trò quan trọng là những người bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của việc điều hành theo pháp luật. Họ duy trì những chức năng kiểm tra, đảm bảo tính minh bạch và cung cấp thông tin cho công dân về những quyền và nghĩa vụ.


Một vấn đề cơ bản mà Liên minh Nghị viện Thế giới đóng vai trò quan trọng là giúp nâng con số các nghị sỹ nữ trên thế giới. Hàng năm Liên minh Nghị viện Thế giới đã công bố báo cáo nêu bật con số phụ nữ trong các nghị viện trên toàn thế giới.


Con số này tăng lên và là một tấm gương tốt về những quyền lợi mà Liên minh Nghị viện Thế giới có thể phục vụ. Tuy nhiên, trào lưu này có chững lại trong thời gian qua, vì vậy cần phải tiếp tục công việc này cả trong từng nghị viện và trong Liên minh Nghị viện Thế giới. Tôi kỳ vọng Liên minh Nghị viện Thế giới sẽ không từ bỏ vấn đề quan trọng này, mà phải tiếp tục phát huy việc trao quyền chính trị cho phụ nữ"./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

đồ phượt | http://votruongtoan.edu.vn | tu dong inox cu

Close