Ấm tình gia đình trong “Ngôi nhà chung”

Thứ sáu - 26/02/2016 20:51


Các hoạt động văn hoá đặc sắc cùng tình cảm của đồng bào du khách hoà quyện trong Ngày Gia đình Việt Nam 2015 tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.  

 

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam - 28/6, trong hai ngày 27,28/6/2015, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc, giới thiệu với du khách những nét văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam nói chung và nét văn hóa truyền thống gia đình các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói riêng.


Bên cạnh các hoạt động thường xuyên như: Triển lãm ảnh truyền thống gia đình mẫu hệ và tượng điêu khắc Tây Nguyên, chương trình dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, giới thiệu một số nghề thủ công truyền thống, sản vật dân tộc…, trong khuôn khổ các hoạt động lần này, du khách được dự buổi tái hiện Lễ cúng bến nước và đặc biệt là Lễ hỏi chồng của đồng bào Ê đê lần đầu tiên được tổ chức tại không gian làng dân tộc Ê đê.


Lễ cúng bến nước của dân tộc Ê đê


Từ xa xưa, người Ê đê đã coi trọng nguồn nước và coi đây là tài sản chung quan trọng nhất của cộng đồng. Do đó, người tìm ra bến nước được mọi người trong cộng đồng gọi là chủ bến nước (pô pin ê a). Chủ bến nước còn là chủ đất, rừng và chủ buôn. Hàng năm, sau mùa rẫy, chủ bến nước tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn các vị thần linh, tạ ơn thần nước (yang êa) đã giúp dân làng có nguồn nước sạch sinh hoạt, có nguồn nước dồi dào cho lúa bắp xanh tốt, mùa màng bội thu, con người ấm no.


Lễ cúng bến nước được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam do các nghệ nhân dân tộc Ê đê đến từ buôn Akô Dhông và buôn Kõ Siêr (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) cùng các học sinh, sinh viên trường Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk thực hiện. Trước khi tổ chức lễ cúng, bến nước được dọn dẹp và sửa sang, nạo vét. Việc dựng các máng nước được chính tay các nghệ nhân thực hiện.

 

Bắt đầu vào lễ cúng, thầy cúng Ay Lê tiến hành nghi thức đánh chiêng, báo hiệu với thần linh lễ cúng bắt đầu và dẫn bà con buôn làng từ nhà dài ra bến nước. Đi sau thầy cúng là các chàng trai khỏe mạnh mang các lễ vật ra cúng tại bến nước. Lễ vật được chọn đặt ngay dưới máng nước, trên một hòn đá lớn, gồm 1 bát tiết và 1 bát lòng và thịt heo. Khi thầy cúng cất tiếng cúng yang, cầu mong yang phù hộ cho buôn làng nguồn nước dồi dào trong lành, dân làng khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt thì ba người đàn ông khỏe mạnh múa khiên xung quanh để xua đuổi thần ác, với ý nghĩa không cho phá bến nước.


Lễ cúng tại bến nước kết thúc, thầy cúng, bà chủ bến nước, phụ nữ và nam giới lần lượt lấy nước vào các vật dụng mang theo gồm những quả bầu khô và ống bương mang về. Các chàng trai cô gái té nước vào nhau cầu mong những điều tốt lành. Sau lễ cúng tại bến nước, thày cúng dẫn bà con buôn làng trở về nhà dài, thực hiện nghi thức cúng yang trước cổng buôn và cúng thần đất. Nghi thức cúng trước cổng buôn được thực hiện khá đơn giản bằng việc khấn yang và đổ tiết heo hiến sinh để đuổi tà ma cho buôn làng. Nghi lễ kết thúc, thầy cúng chia lễ vật cho mọi người cùng thụ hưởng theo thứ tự: bà chủ bến nước, bà chủ đất, phụ nữ và nam giới.


Ngoài ý nghĩa tâm linh và nhân văn cao đẹp, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Lễ cúng bến nước còn mang tính cố kết cộng đồng và giáo dục trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn nguồn lợi cộng đồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước và đất đai.


Độc đáo lễ hỏi chồng của dân tộc Ê đê


Lễ hỏi chông của dân tộc Ê đê chứa đựng nhiều giá trị văn hoá đặc sắc. Để tiến hành lễ hỏi, nhà gái chuẩn bị một ché rượu và một chiếc vòng đồng cho ông mai mang đến nhà trai hỏi, gọi là lễ đưa vòng (Myor Kông) hay lễ hỏi chồng (Ê mul ting mô). Ông mai cùng gia đình nhà gái sang nhà trao ngỏ lời với gia đình nhà trai. Sau khi họp bàn tại gian bếp khách, nhà trai cử một đăm đei cao tuổi cầm chiếc vòng đồng do ông mai nhà gái đưa sang hỏi ý kiến chàng trai. Chàng trai cầm vào chiếc vòng đồng tức là đã đồng ý nhận lời.


Sau lễ đưa vòng, đại diện hai họ tiến hành các nghi thức của lễ trao vòng và chính thức đặt quan hệ thông gia. Lúc này, nhà gái phải mang lễ vật đến, gồm có: một ché rượu, một con gà làm lễ để nhà trai mở tiệc thết đãi ông mai và gia đình nhà gái. Tại lễ trao vòng, nhà trai thoả thuận vật thách cưới và thời gian rước lễ.


Trong ngày rước rể (Tuhan), nhà trai làm lễ tiễn con bằng một ché rượu, một con heo, sau đó nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình. Để thực hiện lễ rước rể, nhà gái làm lễ cúng cho cha mẹ chàng rể và các thành viên trong gia đình. Cụ thể, cúng cho cha một con heo; cúng cho mẹ một con trâu, 8 chiếc vòng tay tượng trưng cho sự ràng buộc gửi gắm, một chiếc bát đồng tượng trưng cho nồi cơm và bầu sữa mẹ, một tấm mền tượng trưng cho sự ấm cúng gia đình.

 

Trên đường về, đoàn rước rể phía nhà gái lần lượt trao vòng đồng cho chú rể thay cho lời chúc tụng. Khi đám rước về đến cổng nhà gái, một đại diện nhà trai chặn lại, việc này thể hiện sự níu kéo, lưu luyến giữa gia đình nhà trai với chú rể. Lúc này nhà gái phải trao cho người đó một vòng đồng mới được đi tiếp. Trên đường về nhà gái, các thanh niên trai gái té nước vào người chú rể để lấy may mắn, hạnh phúc bền lâu.


Lần đầu tiên tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lễ hỏi chồng của đồng bào Ê đê thu hút sự quan tâm của báo giới và du khách.


Cùng với các hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và nhiều đơn vị khác cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng, lan toả các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, cùng chung tay xây dựng gia đình Việt Nam, thiết thực thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

đồ phượt | http://votruongtoan.edu.vn | tu dong inox cu

Close