Một số kỹ năng cơ bản và nhiệm vụ cán bộ Đoàn trường học

Thứ ba - 10/12/2013 22:21


           Hoạt động Đoàn trong môi trường học đường nói chung và trong trường đại học nói riêng đòi hỏi người cán bộ Đoàn từ Chi đoàn đến Đoàn khoa hay Đoàn trường ngoài việc nắm chắc các nguyên tắc, quy định về tổ chức và hoạt động, còn phải có kiến thức xã hội phong phú; kỹ năng ứng xử linh hoạt. Bên cạnh đó, người cán bộ Đoàn cần có lý tưởng cách mạng trong sáng, niềm tin yêu mọi người; và nhất là phải có sự hiểu biết tốt về định hướng, qui chế, cơ cấu tổ chức. Đặc biệt, người cán bộ Đoàn phải hiểu về những người đồng chí, đồng sự của mình.

Hoạt động của Đoàn thanh niên hay Hội sinh viên trong trường đại học cần phải hướng đến nhiệm vụ quan trọng là học tập, nghiên cứu khoa học cũng như xây dựng ý thức tự quản, tự rèn luyện trong sinh viên và cán bộ trẻ.
Thái độ và tác phong của người cán bộ Đoàn là hình ảnh của tổ chức. Do đó, người cán bộ Đoàn phải biết tự hoàn thiện tác phong và thái độ của mình. 
Việc xác định được nhiệm vụ công tác đoàn cụ thể trong từng thời kỳ, thời điểm đối với người cán bộ Đoàn là hết sức quan trọng. Khi đã xác định rõ nhiệm vụ, người cán bộ Đoàn sẽ dễ dàng tổ chức, thực hiện công tác một cách khoa học, mang tính nghệ thuật cao. Từ đó, tổ chức Đoàn mới có thể vận động, khuyến khích được các đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động một cách hăng hái; tránh lãng phí thời gian, công sức; và tranh thủ triệt để nguồn lực cho các phong trào đa dạng.
 
1. Thái độ và tác phong của người cán bộ Đoàn:
Mỗi người cán bộ Đoàn có thái độ và phong cách riêng, có thể mang lại sự hứng thú, ngưỡng mộ của đoàn viên, thanh niên nhưng đôi khi cũng có thể mang lại sự buồn chán và không tôn trọng v.v...
Bên cạnh thái độ, tác phong riêng có, người cán bộ Đoàn cần biết tự rèn luyện thêm thái độ, tác phong thích hợp với vị trí, nhiệm vụ của mình. Đương nhiên, sự rèn luyện này cũng sẽ mang lại sự hữu ích cho tương lai, nghề nghiệp của người cán bộ Đoàn sau này. Một số thái độ và tác phong cần được chú ý gồm có:
Vận động - thuyết phục
Cán bộ Đoàn chính là người làm công tác “thanh vận” (vận động thanh niên). Vì vậy, phương pháp chủ yếu mà người cán bộ Đoàn cần áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ là vận động, thuyết phục thông qua các hoạt động tuyên truyền, thảo luận dân chủ hay qua kết quả công việc thực tế. Sự vận động, thuyết phục nhằm đạt tới sự thống nhất trong nhận thức và hành động của từng cá nhân, tập thể đối với những công việc nên làm, phải làm v.v…
Biết lắng nghe mọi người
 
Việc lắng nghe ý kiến người khác là một yêu cầu quan trọng. Qua lắng nghe, người cán bộ Đoàn có thể hiểu tâm tư, nguyện vọng của thanh niên; để biết những yêu cầu mà mình đưa ra có được các thành viên tiếp nhận một cách tự giác hay không. Tuy nhiên, sự lắng nghe không có nghĩa là thụ động mà phải biết giải thích, đối đáp, hướng dẫn, hiểu được những băn khoăn lo lắng của thanh niên để tháo gỡ, giải quyết.
Làm gương
Lời nói bao giờ cũng phải đi đôi với việc làm. Trong công việc, nhất là việc khó, người cán bộ Đoàn phải biết cùng làm và cùng làm tốt. Đặc biệt, trong việc học tập, người cán bộ Đoàn cần phải đạt kết quả tốt.
Việc tu dưỡng, rèn luyện của người cán bộ Đoàn phải thực sự là tấm gương để đoàn viên, thanh niên noi theo, tự giác chấp hành tốt các qui định chung.
Nhạy bén, làm việc khoa học
Cán bộ thanh niên trường học là người thủ lĩnh của tầng lớp thanh niên trí thức có trình độ nhất định vì vậy trong quá trình công tác phải luôn thể hiện được sự nhạy bén, tìm phương cách làm việc hiệu quả cao nhất. Người cán bộ Đoàn phải biết thu xếp công việc thật khoa học, có kế hoạch công tác tốt thông qua việc biết phân công, kiểm tra công việc.
Biểu dương khen thưởng
Người cán bộ Đoàn cần biết biểu dương, khen thưởng kịp thời và công bằng đối với sự đóng góp của cá nhân hay tập thể trước những diễn đàn lớn để tạo được sự khích lệ đối với các cá nhân, tập thể. Đồng thời, tạo ra sự thi đua giữa các cá nhân, tập thể để có thể tạo ra các nhân tố mới cho phong trào.
Phê bình
Trong công tác phê và tự phê, người cán bộ Đoàn phải biết phê bình đúng lúc, đúng chỗ, nhẹ nhàng; không làm chạm đến lòng tự trọng của đối tượng, không làm cho đối tượng tự ái.
Đối với thái độ vô trách nhiệm của một cá nhân nào đó, người cán bộ Đoàn nên dùng sức mạnh và ý kiến tập thể để phê phán. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức độ lượng, không được định kiến, thành kiến, phải định hướng cho cá nhân, tập thể có khuyết điểm sửa chữa lỗi lầm.
Trung thực, thẳng thắn, gần gũi với thanh niên
Người cán bộ Đoàn cần biết nhận thiếu sót, khuyết điểm và tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng; luôn cởi mở, chân thành và hoà mình với tập thể. Đặc biệt, mạnh dạn đấu tranh phê phán cái sai, kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của tập thể, đoàn viên, thanh niên.
Biết học hỏi
Người cán bộ Đoàn cần chứng tỏ mình là người đang tích cực học tập, nâng cao nhận thức mọi mặt. Có tinh thần cầu thị. Phải luôn tự nghĩ rằng mình còn khuyết điểm và cần được góp ý để hoàn thiện.            
 
2. Nhiệm vụ thường xuyên của người cán bộ Đoàn
Nhiệm vụ người cán bộ Đoàn nói chung là vận động, tổ chức thực hiện Nghị quyết, Điều lệ của Đoàn. Thông thường, nhiệm vụ người cán bộ Đoàn trường học gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường (Giảng dạy, phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học), nhiệm vụ chính trị địa phương (phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng) mà nhà trường đóng trên địa bàn đó.
Tuy nhiên, không ít cán bộ Đoàn gặp khó khăn, lúng túng trong việc xác định cụ thể nhiệm vụ; được hiểu một cách chung chung. Thực tế cũng cho thấy cái gì Đoàn cũng làm và cũng có thể làm, nếu công tác được cho là hữu ích và cần thiết. Chính điều này làm cho người cán bộ Đoàn luôn rối rắm, bận rộn, cáng đáng nhiều việc và thật khó nói chính xác những nhiệm vụ cụ thể là gì, giới hạn phần việc như thế nào. Đây cũng là đặc thù riêng có của tổ chức Đoàn. Chính nó cũng có mặt tích cực là làm tăng sức hấp dẫn của Đoàn nên người cán bộ Đoàn đừng quá băn khoăn, e ngại về vấn đề này.
Nhiệm vụ cụ thể của người cán bộ Đoàn có thể gồm một số công tác cơ bản như sau:     
a. Lập kế hoạch công tác:
Một người cán bộ Đoàn phải biết trù tính các hoạt động của Chi đoàn, Đoàn khoa, Đoàn trường. Sự trù tính này được thể hiện qua các kế hoạch công tác (Từng quý, kỳ, thời điểm: 26/03, 22/12 ..) phương hướng, chương trình công tác (Từng năm học, nhiệm kỳ…). 
Thông thường, căn cứ vào các Chương trình công tác năm học của Đoàn trường, Phương hướng nhiệm kỳ công tác Đoàn và định hướng của đảng uỷ (chi uỷ), Ban chủ nhiệm khoa; Ban chấp hành Đoàn khoa họp xây dựng Chương trình công tác năm học, kế hoạch công tác quý, tháng. 
Tương tự, Ban chấp hành Chi đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm, quý, tháng. Đoàn các cấp có thể có các kế hoạch chuyên đề, ví dụ như kế hoạch trại nhân dịp 26/3, tổ chức tham quan dã ngoại, chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 v.v..   
Việc lập kế hoạch giúp cho tổ chức Đoàn hình dung trước và chỉ ra được các công việc phải làm cụ thể, nhiệm vụ từng cá nhân, tập thể, thời gian thực hiện công việc, nguồn lực được đảm bảo như thế nào. Đặc biệt là các biện pháp thực hiện và các phương thức kiểm tra, đề phòng rủi ro ra sao.
b. Báo cáo:
Việc báo cáo công tác là nhiệm vụ và yêu cầu của hầu hết các tổ chức. Báo cáo là dạng thông tin về kết quả công việc, công tác mà cá nhân, tổ chức đã tiến hành. Qua nội dung báo cáo, các cấp bộ Đoàn sẽ đánh giá lại tình hình hoạt động. Qua báo cáo, các cấp bộ Đoàn sẽ có cơ sở thực hiện việc xét thi đua, khen thưởng v.v... hay xem xét các đề xuất, kiến nghị mới.
Báo cáo được thực hiện hàng tháng, quí, năm học hay theo từng chuyên đề. Đặc biệt, các báo cáo của Đại hội thì cần nêu lên được những nhận định, đánh giá. 
c. Tổ chức sinh hoạt chi đoàn:
Sinh hoạt chi đoàn là một yêu cầu bắt buộc theo qui định của Điều lệ Đoàn. Trách nhiệm tổ chức sinh hoạt chi đoàn thuộc về Ban chấp hành chi đoàn. Mỗi lần sinh hoạt chi đoàn, Ban chấp hành chi đoàn phải ghi biên bản cẩn thận theo hướng dẫn được ghi trong Sổ chi đoàn. Nội dung biên bản sinh hoạt chi đoàn được tập thể chi đoàn thống nhất theo đa số được xem như Nghị quyết của chi đoàn (khi kết nạp đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú phát triển đảng v.v...).
Sinh hoạt chi đoàn tiến hành định kỳ hàng tháng; theo yêu cầu công tác và phong trào Đoàn.
Ban chấp hành Đoàn cấp khoa, khối có nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra tình hình sinh hoạt chi đoàn; Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn cấp khoa tham dự họp lệ chi đoàn theo kế hoạch. 
d. Ghi chép, quản lý sổ chi đoàn:
Việc ghi chép, quản lý Sổ chi đoàn là nhiệm vụ của Ban chấp hành các chi đoàn, thực hiện theo hướng dẫn chung.
Ban chấp hành chi đoàn có trách nhiệm giữ Sổ chi đoàn, ghi chép; chuyển bàn giao cho Ban chấp hành chi đoàn nhiệm kỳ mới sau Đại hội; bàn giao lại cho Đoàn khoa khi chi đoàn giải tán, kết thúc khoá học.
e. Quản lý đoàn phí:
Ban chấp hành chi đoàn có nhiệm vụ thu và trích nộp đoàn phí hàng tháng theo qui định cho Ban chấp hành Đoàn cấp khoa. Ban chấp hành Đoàn cấp khoa tiến hành thu và trích nộp đoàn phí hàng tháng hoặc quý cho Ban chấp hành Đoàn trường theo tỷ lệ qui định.
Ban chấp hành Đoàn cấp khoa có nhiệm vụ kiểm tra việc thu, chi đoàn phí của các chi đoàn.  
g. Phân loại đoàn viên, giới thiệu đoàn viên ưu tú và nhận xét đoàn viên hằng năm
Việc phân loại đoàn viên thực hiện theo từng học kỳ, năm học. Kết quả phân loại đoàn viên, thành tích và khuyết điểm chính hằng năm được ghi nhận trong phần nhận xét đoàn viên (trong sổ lý lịch đoàn viên).
Sau từng học kỳ, Ban chấp hành chi đoàn bình chọn những Đoàn viên ưu tú có thành tích xuất sắc nhất giới thiệu với Đoàn cấp trên và Chi bộ Đảng.
h. Tham gia đánh giá rèn luyện, tổ chức thực hiện tín chỉ công tác xã hội:
Ban chấp hành Đoàn các cấp cần chủ động, giúp đỡ đoàn viên, sinh viên thực hiện việc đánh giá rèn luyện và thực hiện công tác xã hội theo qui định của nhà trường; nhất là Ban chấp hành các chi đoàn.
Cán bộ Đoàn các cấp cần biết phối hợp các tổ chức trong và ngoài trường để thực hiện có hiệu quả công tác này.
i. Chuyển sinh hoạt Đoàn tập trung:
Hằng năm, trước thời gian kết thúc khoá học, Ban chấp hành Đoàn khoa nhắc nhở các chi đoàn tiến hành thực hiện chuyển sinh hoạt Đoàn tập trung. Ban chấp hành chi đoàn chịu trách nhiệm thực hiện chuyển sinh hoạt chung cho cả chi đoàn. Các trường hợp đoàn viên chưa ra trường thì bàn giao lại Sổ đoàn viên của cá nhân đó cho Đoàn khoa. Đồng thời, Ban chấp hành chi đoàn yêu cầu cá nhân đoàn viên đó liên hệ Văn phòng Đoàn khoa để được hướng dẫn tiếp tục sinh hoạt tại chi đoàn mới.
k. Phát triển đoàn viên mới:
Đây là nhiệm vụ của mỗi đoàn viên và đương nhiên là nhiệm vụ lớn của người cán bộ Đoàn. Đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng Đoàn.
l. Xét đề nghị khen thưởng, kỷ luật đoàn viên:
Căn cứ vào hướng dẫn của Đoàn trường, Đoàn khoa chỉ đạo cho Ban chấp hành Chi đoàn tiến hành xét, đề nghị khen thưởng (Từng học kỳ, năm học, đợt công tác).
Các Chi đoàn cần theo dõi và xử lý kỷ luật kịp thời đối với các trường hợp đoàn viên vi phạm Điều lệ Đoàn, Quy định về học tập, sinh hoạt nội, ngoại trú hay các Qui định, Quy chế khác của nhà trường v.v…. theoqui định của Điều lệ Đoàn. Cần đảm bảo Nghị quyết kỷ luật của chi đoàn cần nêu rõ những ưu, khuyết điểm và các góp ý cho cá nhân đoàn viên có sai phạm nhận ra thiếu sót, sai trái để sửa chữa tốt hơn.
m. Duy trì liên hệ với Đoàn các cấp, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng:
Cán bộ Đoàn các cấp cần biết xây dựng các mối liên hệ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt Đoàn cấp khoa, trường cần tranh thủ sự lãnh đạo, sự giúp đỡ của cấp uỷĐảng và các khoa, phòng, ban.   
n. Các công tác khác:
Bên cạnh những công tác thường xuyên, định kỳ; trong hoạt động Đoàn thường có những công tác đột xuất, bất thường do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị hay do nguyện vọng của đoàn viên v.v....đặt ra. Trong trường hợp đó, người cán bộ Đoàn có nhiệm vụ quan trọng là phải vận động, điều động đoàn viên, thanh niên tham gia đầy đủ, kịp thời các hoạt động này; thể hiện tinh thần xung kích của Đoàn. 
 
Tóm lại, người cán bộ Đoàn cần thường xuyên rèn luyện thái độ và tác phong của mình. Thái độ và tác phong người cán bộ Đoàn cũng là hình ảnh của tổ chức Đoàn; chính nó sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho tổ chức Đoàn. Nhiệm vụ người các cấp bộ Đoàn rất đa dạng, phong phú, và luôn như mới mẻ. Nhiệm vụ này rất cần sự nhạy bén và khả năng tổ chức công việc một cách khoa học, sáng tạo và có kế hoạch của người cán bộ Đoàn. Người cán bộ Đoàn cần xác định được những nhiệm vụ nào là cơ bản nhất để tập trung giải quyết. Đặc biệt, người cán bộ Đoàn phải chú trọng các yêu cầu trong công tác đoàn vụ như báo cáo công tác, tổ chức sinh hoạt, quản lý đoàn viên - sổ đoàn viên, phân loại, nhận xét đoàn viên, phát triển đoàn viên mới, tham gia đánh giá rèn luyện, hỗ trợ thực hiện tín chỉ công tác xã hội, xét đề nghị khen thưởng - kỷ luật v.v…
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

đồ phượt | http://votruongtoan.edu.vn | tu dong inox cu

Close